Sơn Lôi Di

Lời quẻ:
Di: Trinh cát. Quan di, tự cầu khẩu thực.

Dịch:
Nuôi: hễ đúng chính đạo thì tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình.



Lời bàn: 
Nuôi tinh thần hay thể chất, cũng phải hợp chính đạo thì mới tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình thì biết tốt hay xấu.  Thoán truyện suy rộng ra: Trời đất khéo nuôi vạn vật mà vạn vật sinh sôi nảy nở về mọi mặt; thánh nhân dùng những người hiền giúp mình trong việc nuôi dân chúng; cái đạo nuôi nấng lớn như vậy đó.  Đại tượng truyện đưa thêm một ý nữa: theo cái tượng của quẻ, thì dưới núi có tiếng sấm, dương khí bắt đầu phá mà vạn vật trong núi được phát triển như vậy là trời đất nuôi vạn vật. Người quân tử tự nuôi mình thì phải cẩn thận về lời nói để nuôi cái đức, và tiết độ về ăn uống để nuôi thân thể (Quân tử dĩ thận ngôn ngữ, tiết ẩm thực). Là vì ở đời, “họa tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập”. Phải giữ gìn nhất cái miệng.

Hào từ:

1. Sơ cửu: Xả nhỉ linh, quan ngã đóa di, hung.
Dịch: Hào 1, dương: Chú bỏ con rùa thiêng (tượng trưng phần tinh thần quí báu) của chú đi mà cứ ngỏ ta, tới xệ mép xuống, xấu.
Lời bàn: Chúng ta nên để ý: nội quái là Chấn, có nghĩa là động, cho nên cả ba hào đều diễn cái ý mình đi cầu cạnh người.  Hào 1 này dương cương, khôn lanh, nhưng ứng với hào 4 âm, có thế lực ở trên hăm hở theo âm đến nỗi bỏ thiên lí, thèm thuồng cầu ăn ở người khác (hào 4) để nuôi xác thịt, mà quên phần tinh thần của mình (nó quí như con rùa thiêng chỉ sống bằng khí trời), như vậy rất xấu. Hai chữ “đóa di”, thòng mép xuống, cực tả sự bỉ ổi của bọn người chỉ ham ăn, nói rộng ra là bọn bị tư dục mê hoặc đến mất cả liêm sỉ.

2. Lục nhị: Điên di, phất kinh, vu khâu di, chinh hung.
Dịch: Hào 2, âm: Đảo lộn cách nuôi mình, trái với lẽ thường, cầu sự nuôi dưỡng ở gò cao, tiến lên thì xấu.
Lời bàn: Hào này âm nhu, không tự sức nuôi mình được, nên phải cầu ăn với hai hào dương 1 và 6. Nhưng hào 1 ở dưới mình, như vậy là người trên xin ăn người dưới, đảo lộn rồi, trái lẽ thường (kinh) rồi; còn như cầu ăn ở hào trên cùng (ví như cái gò cao), thì hào này không ứng với 2, 2 sẽ bị từ chối, bị khinh mà mắc nhục.  Nên để ý: theo thường lệ, hào 2 này đắc trung, chính thì tốt mà đây lại xấu, vì ý nghĩa của quẻ là nuôi dưỡng, mà hào này lại không đủ sức tự dưỡng được.

3. Lục tam: Phật di, trinh hung. Thập niên vật dụng vô du lợi.
Dịch: Hào 3, âm: Cách nuôi trái hẳn với chính đạo, xấu. Mười năm (có nghĩa là tới cùng) cũng không tốt được không làm nên gì.
Lời bàn: Hào này âm nhu, bất trung, bất chính, lại hay động (vì ở trên cùng nội quái Chấn) không chịu ngồi yên, thấy đâu có ăn là đâm đầu vào. Rất xấu – Về hai chữ “thập niên” chúng ta đã giảng ở hào cuối cùng quẻ Phục.

4. Lục tứ: Điên di, cát. Hổ thị đam đam, kì dục trục trục, vô cửu.
Dịch: Hào 4, âm: Đảo lộn cách nuôi mà tốt. Mắt hổ nhìn đăm đăm, lòng ham muốn day dứt không ngớt, không có lỗi.
Lời bàn: Hào này âm nhu đắc chính, ở vào địa vị cao, được hào 5 chí tôn tương đắc với mình (cùng là âm cả) lại thêm có hào 1 dương ứng với mình, như vậy là người trên biết trọng đạo nghĩa, biết hạ mình cầu người dưới (hào 1) nuôi mình; tuy là điên đảo, trái lẽ thường đấy, nhưng vì là người tốt (đắc chính), cầu 1 giúp mình để mình lập nên sự nghiệp sau sẽ giúp đỡ dân chúng, cho nên vẫn là tốt.  Nhưng phải chuyên nhất, không gián doạn (như mắt hổ nhìn đăm đăm, ham muốn không ngớt), cứ tiếp tục cầu 1 giúp hoài thhì mới có kết quả, không có lỗi.  Cầu nuôi ở hào này là cầu nuôi về tinh thần, chứ không phải về thể xác.

5. Lục ngũ: Phật kinh, cư trinh, cát. Bất khả thiệp đại xuyên.
Dịch: Hào 5, âm: Trái lẽ thường, bền chí giữ đạo chính thì tốt. Không thể vượt sông lớn được.
Lời bàn: Hào này như một vị nguyên thủ, có trách nhiệm nuôi người, nhưng vì âm nhu, kém tài, nên phải nhờ người (tức hào trên cùng) nuôi mình (giúp đỡ mình); tuy là trái lẽ thường, nhưng cứ bền chí, giữ đạo chính thì tốt; vì nhờ người khác giúp đỡ để mình làm trọn nhiệm vụ nuôi dân.  Tuy nhiên, vì tài kém (âm nhu), làm việc lớn gian hiểm không nổi, nên Hào từ khuyên: không thể qua sông lớn được.  Cầu nuôi ở hào này cũng là cầu nuôi về tinh thần.

6. Thượng cửu: Do di, lệ cát. Lợi thiệp đại xuyên.
Dịch: Hào trên cùng, dương. Thiên hạ nhờ mình mà được nuôi, trách nhiệm mình lớn như vậy, mình phải thường lo lắng, sợ hãi thì được tốt. Qua sông lớn được.
Lời bàn: Hào này dương cương mà ở trên cùng, như bậc làm thầy cho vị nguyên thủ, vị nguyên thủ nhờ mình mà nuôi được thiên hạ, thì cũng như chính mình nuôi thiên hạ. Trách nhiệm lớn như vậy nên mình phải thường lo lắng, sợ hãi, rất thận trọng thì mới được tốt lành, mà thiên hạ được phúc lớn (lời Tiểu tượng truyện).  Hào này dương cương có tài, không như hào 5, cho nên làm được việc lớn gian hiểm.  *  Tóm lại ba hào cuối đều có nghĩa là nuôi về tinh thần, giúp đỡ dân chúng nên đều được “cát” hết. Ba hào đầu có nghĩa là nhờ người nuôi thể xác của mình, cho nên đều xấu.

Ghi nhớ:
YÊU CẦU BỒI DƯỠNG VÀ TÍCH CHỨA LỰC LƯỢNG
1- Trên bờ mà khâm phục cá thì chẳng bằng trở về mà đan lưới bát cá.
2- Yêu cầu dưỡng (sự giúp đỡ) ở trinh chính (tự nguyện giúp, thực lòng)
3- Mở rộng lực lượng phải giữ thủ đoạn chính đáng.
4- Dùng thủ đoạn chính đáng để yêu cầu người khác.
5- Giúp người phải lượng sức mà làm.
6- Khi cần thiết, cũng đáng mạo hiểm.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cương lĩnh học Dịch

Đạo bất đồng bất tương vi mưu

Biết làm cho mất